Bóng cười là gì? Tại sao mới chỉ du nhập vào Việt Nam không lâu nhưng bóng cười đã và đang trở thành trào lưu được giới trẻ yêu thích, thậm chí coi nó như một thú vui không thể thiếu mỗi khi đi hộp đêm? Là một dạng chất kích thích, bóng cười đem lại tác hại khôn lường thế nào cho người sử dụng?
Định nghĩa bóng cười là gì?
Bóng cười là gì? Bóng cười (tên tiếng Anh là funky balloon) được hiểu là là một hình thức chứa của khí Dinitơ monoxit (N2O). Đây là một loại chất không màu, không mùi, gây ức chế thần kinh, khiến cho phản ứng của cơ thể trở nên chậm chạp. Sau khi hít khí này, người sử dụng sẽ có cảm giác hưng phấn nhẹ, cười khúc khích, váng đầu, chóng mặt và gặp ảo giác trong một khoảng thời gian ngắn.
Trong y học, N2O có chức năng như thuốc an thần liều nhẹ, giúp bệnh nhân giảm lo lắng và thư giãn trước khi tiến hành các cuộc tiểu phẫu. Ngoài ra, nó cũng được các nha sĩ sử dụng để giảm đau hay gây tê cho bệnh nhân. Cách thực hiện gây tê bằng xông khí cười như sau: bệnh nhân được bác sĩ cho hít cùng lúc cả khí oxy và khí cười hoặc khí oxy được tiếp khoảng 5 – 10 phút sau khi tắt khí cười.
Lúc này, khí oxy sẽ giúp loại bỏ các khí còn lại trong cơ thể, giữ cho cơ thể tỉnh táo. Khí N2O sẽ gây tê nhẹ mà không cần phải tiêm thuốc qua da – điều khiến cho nhiều bệnh nhân cảm thấy sợ hãi. Việc thực hiện gây tê bằng cách xông khí cười được đánh giá là một phương pháp an toàn, không để lại hậu quả hay tác động tiêu cực tới các cơ quan nội tạng quan trọng như não, tim, thận, gan, phổi…
Tác hại khi sử dụng bóng cười lên sức khỏe
Sau khi hiểu được bóng cười là gì, câu hỏi tiếp theo được đặt ra đó là: Bóng cười hay khí gây cười có gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng đến người sử dụng không? Ảnh hưởng của bóng cười được phân định dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm:
- Số lượng đã sử dụng
- Sức khỏe của người dùng
- Mức độ dung nạp của cơ thể
- Các chất khác được trộn lẫn trong khi sử dụng
Từ đó, tác hại của bóng cười sẽ được chia theo dài hạn hay ngắn hạn.
Tác hại ngắn hạn
Đa phần mọi người sẽ không cảm thấy tác dụng phụ nào quá rõ rệt, nếu có, các triệu chứng này xuất hiện gần như ngay lập tức hoặc sau vài phút do người sử dụng đã hít một lượng lớn hay hít quá nhanh khí gây cười:
- Rùng mình
- Đổ nhiều mồ hôi
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Một số trường hợp sẽ gặp ảo giác, biến dạng giọng nói hay thậm chí là đột tử do không được cung cấp đủ khí oxy để hô hấp
Tác hại dài hạn
Khí cười gây ảnh hưởng lâu dài lên mỗi người với mỗi cơ địa khác nhau. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với loại khí này lâu dài sẽ gây ra các biến chứng đối với cơ thể, có thể kể đến:
- Mất trí nhớ
- Rối loạn tâm thần
- Ngứa ran hoặc tê ở tay, các chi do thiếu vitamin B-12
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu sử dụng khí gây cười không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho thai nhi
- Cảm giác trầm buồn và lệ thuộc tâm lý (nghiện)
Tác động đến an toàn của người sử dụng
Khí N2O trong bóng cười có nhiệt độ rất lạnh (-40 độ C), nên việc hít trực tiếp khí này sẽ gây tê cóng cho mũi, môi và dây thanh quản. Ngoài ra, do tính chất hóa học và có áp suất cao, khí N2O thậm chí có thể gây tổn thương và phá vỡ nhu mô phổi.
Theo như định nghĩa trả lời cho câu hỏi bóng cười là gì, khí N2O nguyên chất có trong bóng cười không màu, không vị, nhưng tại một số tụ điểm giải trí, khí cười trong bóng họ cung cấp đôi khi sẽ có vị ngọt nhẹ, chứng tỏ đây không còn là khí N2O nguyên chất mà đã được pha lẫn tạp chất để tạo vị.
Vì vậy, khí khi hít trực tiếp từ các vật chứa không phù hợp hay khí đã pha tạp chất cũng rất nguy hiểm vì có thể đã nhiễm vi khuẩn. Người sử dụng cũng có thể tự làm hại mình nếu họ sử dụng các bình gas bị lỗi và phát nổ. Khi pha chế khí bằng tay không cũng có thể gây bỏng lạnh.
Sử dụng bóng cười ở những nơi không an toàn như ở trên tầng cao không được che chắn, khi đang lái xe, vận hành máy móc,… sẽ khiến người sử dụng gặp phải những hậu quả khôn lường. Cảm giác hưng phấn, lâng lâng, mất kiểm soát hay gặp ảo giác dù chỉ trong thời gian ngắn do bóng cười mang lại chính là nguyên nhân dẫn đến những sơ suất “chết người”.
Sự kết hợp của bóng cười và đồ uống có cồn cũng cần phải được hạn chế hết mức có thể vì cả hai chất này đều gây ức chế thần kinh. Khi dùng chung với nhau, chúng sẽ làm tăng các nguy cơ về sức khỏe và tai nạn không mong muốn cho người sử dụng.
Kết luận
Từ định nghĩa, có thể dễ dàng thấy được rằng, khí cười trong lĩnh vực y khoa là một loại chất an toàn nếu được sử dụng với đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ và áp dụng phù hợp với thể trạng mỗi người cũng như thủ thuật y tế mà bệnh nhân thực hiện.
Tuy nhiên, việc lạm dụng khí cười trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt với mục đích giải trí nhằm kéo dài cảm giác phấn khích sẽ gây ra những phản ứng phụ không mong muốn đối với sức khỏe và thậm chí có thể gây tử vong. Hiểu rõ khí cười là gì, bóng cười là gì và tác hại khi lạm dụng nó là điều vô cùng cần thiết khi trào lưu không lành mạnh này đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Việt Nam.