
Các loại hình doanh nghiệp hợp pháp tại Việt Nam rất đa dạng, được pháp luật nhà nước có những quy định riêng cho từng loại. Vì vậy, để chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với khả năng và định hướng phát triển của mình. Chủ doanh nghiệp cần nắm vững đặc điểm, cũng như ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp. Dưới đây là bài phân tích chi tiết về các loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân thuộc sở hữu một cá nhân. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.
Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo Pháp luật đối với doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định về các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có toàn quyền quyết định về việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo đúng quy định của Pháp luật. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người ngoài làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ưu điểm
Do là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp nên loại hình doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn chủ động trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệp. Chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân tạo sự tin tưởng cho đối tác và khách hàng, nhằm giúp cho doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật như những loại hình doanh nghiệp khác.
Nhược điểm
Vì không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh tư nhân khá cao, chủ doanh nghiệp tư nhân cần phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và của chủ doanh nghiệp chứ không giới hạn về số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
Công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp, trong đó có các đặc điểm:
- Vốn điều lệ được phân chia thành từng phần bằng nhau gọi là cổ phần;
- Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
- Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ các trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết;
- Cổ đông có thể là tổ chức hay cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế về số lượng tối đa.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Công ty cổ phần có quyền phát hành chứng khoán ra công chúng theo đúng quy định của pháp luật về chứng khoán.
Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá của cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần ở thời điểm đăng ký thành lập loại hình doanh nghiệp này là tổng giá trị mệnh giá cổ phần những loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Các cổ đông cần phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ các trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng có đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, đồng thời thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn cần phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua.
Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày công ty được cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do trong việc chuyển nhượng cổ phần của chính mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được phép chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu nhận được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về chuyển nhượng các cổ phần đó.
Những hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sẽ được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, tính từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký loại hình doanh nghiệp. Những hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đã đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác mà không phải là cổ đông sáng lập của công ty.
Công ty cổ phần phải có Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông, Giám đốc (Tổng giám đốc); đối với công ty cổ phần có trên mười một cổ đông cần phải có Ban kiểm soát.
Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ trong trường hợp:
- Công ty mua lại phần cổ phần đã phát hành
- Vốn điều lệ không được những cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn
- Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả lại một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ sở hữu trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm, kể từ ngày đăng ký loại hình doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
Ưu điểm
- Chế độ về trách nhiệm của công ty cổ phần là trách nhiệm hữu hạn, những cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ, các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi do của những cổ đông không cao;
- Cơ cấu vốn của công ty cổ phần là hết sức linh hoạt tạo điều kiện nhiều người cùng góp vốn vào công ty;
- Khả năng huy động vốn của công ty cổ phần là rất cao thông qua việc phát hành cổ phần chào bán hoặc là cổ phiếu ra công chúng, đây là những đặc điểm riêng có của công ty cổ phần;
- Việc chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần là việc tương đối dễ dàng, không buộc phải thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông với Sở Kế hoạch đầu tư, vì thế phạm vi đối tượng được tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả những cán bộ công chức cũng có quyền mua cổ phiếu từ công ty cổ phần.
Nhược điểm
- Việc quản lý và điều hành công ty cổ phần rất phức tạp do số lượng cổ đông có thể rất lớn, có thể nhiều người không hề quen biết nhau, thậm chí có thể có sự phân hóa thành từng nhóm cổ động đối kháng nhau về lợi ích;
- Việc thành lập, quản lý công ty cổ phần cũng phức tạp hơn các loại hình doanh nghiệp khác do bị ràng buộc chặt chẽ bởi những quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, Kế toán.
- Chỉ các cổ đông sáng lập mới hiển thị thông tin trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia (nếu có sự chuyển nhượng cổ đông thì cổ đông sáng lập vẫn sẽ còn tên trên đăng ký kinh doanh và không bị mất đi dù chuyển nhượng hết vốn). Các cổ đông góp vốn chuyển nhượng cho nhau không cần phải thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và chỉ thực hiện tại nội bộ doanh nghiệp, không được ghi nhận trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp của cơ quan quản lý.
- Đối với công ty cổ phần khi thực hiện chuyển nhượng cổ đông bị áp mức thuế thu nhập cá nhân theo chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% (dù công ty không có lãi) vẫn bị áp mức thuế thu nhập cá nhân này.
Công ty hợp danh
Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp, trong đó có các đặc điểm:
- Phải có ít nhất hai thành viên hợp danh; ngoài những thành viên hợp danh, có thể có thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, và phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về những nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn chỉ có trách nhiệm về những khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào Công ty.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty; tiến hành những hoạt động kinh doanh nhân danh công ty; cùng liên đới chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn được quyền chia lợi nhuận theo tỷ lệ theo quy định tại Điều lệ công ty; không được tham gia quản lý công ty, hoạt động kinh doanh nhân danh công ty. Những thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.
Ưu điểm
Ưu điểm của loại hình doanh nghiệp công ty hợp danh là những kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của những thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của bạn hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp vì số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.
Nhược điểm
Hạn chế của công ty hợp danh là do chế độ liên đới về chịu trách nhiệm vô hạn nên mức độ rủi ro của từng thành viên hợp danh là rất cao. Thành viên góp vốn không có quyền trong quản lý doanh nghiệp nên có nhiều hạn chế đối với thành viên góp vốn.
Thông thường chỉ áp dụng với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn như Công ty Luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp được một tổ chức hoặc có thể một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về những khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH một thành viên không có quyền phát hành cổ phần công ty.
Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đúng thời điểm đăng ký loại hình doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và có ghi trong Điều lệ công ty.
Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết trước đó khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều này, chủ sở hữu công ty cần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng sẽ phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu có trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với những nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phép giảm vốn nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm, kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp, nhằm bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho chủ sở hữu. Công ty được phép tăng vốn điều lệ bằng việc chủ sở hữu công ty đầu tư thêm hoặc là huy động thêm vốn góp của người khác. Trường hợp tăng vốn điều lệ trong việc huy động thêm phần vốn góp của người khác, công ty cần phải thực hiện chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang Công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc là công ty cổ phần.
Ưu điểm
- Do có tư cách pháp nhân nên những thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty nên rất ít gây rủi ro cho chủ sở hữu;
- Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty;
- Chính chủ sở hữu là người phụ trách kế toán của doanh nghiệp mà không cần phải thuê người khác.
- Cơ cấu tổ chức công ty đơn giản nhất trong những loại hình doanh nghiệp;
Nhược điểm
- Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có hạn chế do chỉ có một thành viên và không có quyền phát hành cổ phiếu và trái phiếu
- Lương của chủ sở hữu không được phép tính vào chi phí của doanh nghiệp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên trở lên
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp mà thành viên có thể là tổ chức hay cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân được tính từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn không có quyền trong việc phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
Thành viên chịu trách nhiệm về những khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã đóng góp vào doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đã đăng ký loại hình doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp những thành viên cam kết góp vào công ty. Thành viên cần phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ, đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền, nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc là chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty cần phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của từng thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng sẽ phải góp vốn đủ phần vốn góp.
Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phép phát hành cổ phần.
XEM THÊM: Mẫu hợp động góp vốn đầu tư kinh doanh cá nhân, công ty
Ưu điểm
- Do có tư cách pháp nhân nên những thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi về số vốn góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn;
- Số lượng thành viên công ty trách nhiệm không nhiều và thành viên thường là người quen biết, tin cậy nhau, nên việc quản lý và điều hành công ty không quá phức tạp;
- Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh siết chặt nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi thành viên và hạn chế sự thâm nhập của người lạ vào công ty trong loại hình doanh nghiệp THNN 2 thành viên trở lên.
- Thời hạn đăng ký lại vốn khi những thành viên chưa góp vốn đủ dài nhất: 60 ngày kể kể từ ngày cuối cùng cần phải góp vốn đủ phần vốn góp.
- Khi chuyển nhượng vốn, thành viên chuyển vốn sẽ phải kê khai thuế và nộp thuế thu nhập cá nhân, trường hợp chuyển nhượng ngang giá góp vốn thì mức thuế phải nộp bằng không.
Nhược điểm
- Công ty trách nhiệm hữu hạn chịu sự điều chỉnh chặt chẽ pháp luật hơn là doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh;
- Việc huy động vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn bị hạn chế vì không có quyền phát hành cổ phiếu.
TÓM LẠI VẤN ĐỀ: Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những đặc điểm, ưu và nhược điểm riêng. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ hiểu hơn về các loại hình doanh nghiệp.