
Ăn thực dưỡng là gì? Bữa ăn thực dưỡng gồm những món gì? Khác biệt thế nào so với bữa ăn bình thường? Cùng với trào lưu bảo vệ môi trường, người dân Việt Nam gần đây cũng chú ý đến chế độ ăn uống sao cho lành mạnh, vừa tăng cường sức khỏe, vừa giảm lượng chất đạm, bảo vệ môi trường. Theo dõi bài viết để biết thêm thông tin về chế độ ăn này.
Chế độ ăn thực dưỡng là gì?
Nguồn gốc
Phương pháp thực dưỡng Ohsawa đặt theo tên người sáng lập – Giáo sư người Nhật Bản Georges Ohsawa (1893-1966). Dựa trên nguyên lý âm – dương của triết học phương Đông, Ohsawa đã sáng tạo phương pháp thực dưỡng.
Tuy nhiên, Georges Ohsawa không phải là người sáng lập phương pháp này. Người tiên phong trong trường phái này là Tiến sĩ – Bác sĩ Quân y Nhật Bản Sagen Ishizuk (1850-1910). Ông Georges Ohsawa là người có công truyền bá rộng rãi phương pháp ăn thực dưỡng ra toàn thế giới.
Phân loại thực phẩm theo nguyên lí âm – dương
Theo triết học phương Đông, nguyên lý âm – dương là nguồn gốc của khoa học. Nó giải quyết mọi vấn đề đời sống vật chất và tinh thần của con người. Quan điểm của nguyên lý này là mọi vật tồn tại đều thể hiện tính âm – dương.
Ngoài ra, Giáo sư Ohsawa còn kết hợp nguyên lý axit – kiềm của phương Tây để làm nền tảng thực dưỡng của mình thêm phong phú và chắc chắn. Cần sự phối hợp cân bằng giữa 2 nguyên lí để khỏe mạnh về cơ thể lẫn tinh thần.
Những thực phẩm cần và không cần trong bữa ăn thực dưỡng
Thực phẩm nên ăn
Một số nguyên liệu cần phải có trong bữa ăn thực dưỡng
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt hữu cơ (40% – 60%), bao gồm gạo lứt, đại mạch, yến mạch và ngô. Ngũ cốc nguyên hạt được cho là thích hợp hơn so với mì ống và bánh mì. Dù vậy, bạn vẫn có thể sử dụng mì ống, bánh mì với số lượng ít
- Các loại rau xanh (chiếm 20% – 30%): cải thìa, cải xoăn, súp lơ, bí ngô, bông cải xanh, củ hành, củ cải, mùi tây, cà rốt, bắp cải xanh…
- 5% – 10% còn lại dành cho các loại đậu và các sản phẩm từ đậu: đậu phụ, miso hay tempeh, và các loại rong biển, tảo biển như nori, agar,…
- Phần còn lại trong lượng thức ăn có thể bao gồm: dưa muối, dầu thực vật, gia vị tự nhiên…
- Hải sản tươi và các loại trái cây có thể được sử dụng vài lần mỗi tuần
Thực phẩm không nên ăn
- Sữa
- Trứng
- Thịt gia cầm, gia súc
- Thực phẩm chế biến
- Đường tinh luyện
- Trái cây nhiệt đới
- Nước ép hoa quả
- Một số loại rau xanh như măng tây, cà tím, rau chân vịt, cà chua,bí xanh,…
Một số lưu ý khác cần phải tuân theo:
- Ăn một cách tập trung, chậm rãi
- Chỉ ăn thực dưỡng khi đói
- Nhai thức ăn nhiều lần cho đến khi nó gần như biến thành chất lỏng
- Chỉ nên uống nước lúc khát
- Khuyến khích nấu ăn bằng cách hấp hoặc xào
- Không được sử dụng gia vị cay, các thức uống chứa nồng độ cồn cao như soda, cà phê và bất kỳ thứ gì được tinh chế, chế biến công nghiệp hoặc có chất bảo quản hóa học trong khi sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu cho bữa ăn
Hiểu đúng về chế độ ăn thực dưỡng
Ăn thực dưỡng giúp chữa trị ung thư?
Có thể thấy rằng, chế độ thực dưỡng tập trung chủ yếu vào việc tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt và rau củ – thành phần rất tốt cho sức khỏe, giảm tiêu thụ sản phẩm từ động vật và ăn trong chừng mực. Tuy không thể phủ nhận khả năng hạ thấp nguy cơ mắc một số bệnh lý, bao gồm các bệnh lý về tim mạch và ung thư của việc ăn bữa ăn thực dưỡng, nhưng hiện nay vẫn chưa có bằng chứng lâm sàng nào cho thấy nó có thể chữa hết bệnh ung thư. Hoàn toàn sai lầm khi tin rằng ăn thực dưỡng giúp trị căn bệnh quái ác mà cả nền y học hiện đại cũng phải bó tay này.
Nếu không biết cách áp dụng hợp lý, bạn thậm chí còn không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong khi người mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư cần phải bổ sung đầy đủ dưỡng chất và calo để có thể chống chọi trong quá trình chữa trị. Do vậy, trước khi ăn thực dưỡng, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên ngành.
Không phải ai cũng có thể ăn thực dưỡng
Đây không phải là chế độ ăn lí tưởng cho tất cả mọi người khi nó có quá nhiều yêu cầu khắt khe cần phải tuân thủ. Những người sau đây có thể không phù hợp với lối ăn thực dưỡng:
- Thích ăn cay hoặc cần cà phê để duy trì sự tỉnh táo
- Người bị cao huyết áp hoặc mắc bệnh thận, do chế độ ăn có nhiều muối
- Ngoài ra, do ăn ít chất béo động vật, trái cây và sữa nên cơ thể sẽ không được cung cấp đủ chất đạm, sắt, magiê, canxi và vitamin B12
- Những người thực hiện chế độ ăn không có gluten, vì ăn thực dưỡng không cấm gluten nên những người này cần lưu ý tới các thực phẩm có chứa gluten để loại bỏ chúng khỏi danh mục thực phẩm sử dụng
Ngược lại, đối với những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol hoặc mắc bệnh tim mạch, thì đây lại là một chế độ ăn phù hợp, bởi thành phần thực phẩm lành mạnh, hạn chế sử dụng đường và các thức ăn giàu chất béo.
Kết luận
Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn thực dưỡng, việc tập luyện thể dục thể thao cũng hết sức quan trọng vì chúng hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả hơn. Dù mang lại nhều lợi ích cho sức khỏe song bạn cũng không nên “thần thánh hóa” phương pháp này hay coi nó như phép thế cho việc điều trị y tế truyền thống.