
Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam hay không? Chắc chắn, nhiều bạn đọc vẫn đang thắc mắc về vấn đề này. Hãy cùng JES tham khảo qua bài viết dưới đây, để cùng tìm câu trả lời nhé.
Người nước ngoài có được mua nhà ở tại Việt Nam?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam gồm:
- Tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi là tổ chức).
- Cá nhân nước ngoài được Việt Nam cho nhập cảnh vào.
Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam dưới 2 nhóm hình thức sau:
- Đầu tư xây dựng nhà ở dựa theo dự án tại Việt Nam;
- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, hay nhận thừa kế nhà ở thương mại gồm có căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Trừ khu vực bảo đảm quốc phòng và an ninh theo quy định của Chính phủ.
Lưu ý:
Hình thức thuê mua nhà ở là việc người thuê mua sẽ thanh toán trước cho bên cho thuê mua 20% giá trị của nhà ở. Trừ trường hợp người thuê mua có đủ điều kiện thanh toán trước thì được thanh toán không quá 50%;
Số tiền còn lại cần phải trả thì được tính thành tiền thuê nhà để trả hàng tháng cho bên cho thuê mua trong thời hạn nhất định. Sau khi hết hạn thuê mua nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Như vậy, người nước ngoài chỉ được mua và thuê mua nhà ở là căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, chứ không được phép mua ngoài khu vực này.
Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở thì người nước ngoài thuộc đối tượng trên có quyền mua nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài được mua nhà ở cần có giấy tờ chứng minh. Cụ thể:
Trường hợp 1: Điều kiện với tổ chức
Tổ chức thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà hay thuê mua nhà ở.
Trường hợp 2: Điều kiện với cá nhân
Cá nhân người nước ngoài phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
- Hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất và nhập cảnh Việt Nam;
- Không thuộc diện được quyền ưu đãi, hay miễn trừ ngoại giao.
Trên đây là đối tượng, cũng như điều kiện để người nước ngoài được nhà ở tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài chỉ được phép mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện theo từng trường hợp.
Như vậy: Người nước ngoài muốn mua nhà tại Việt Nam thì chỉ được phép mua nhà ở (bao gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ) trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Hồ sơ xác lập quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi xác định cá nhân người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Căn cứ theo quy định tại Điều 120, Điều 121, và điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, người nước ngoài cần tham gia ký kết hợp đồng về nhà ở hoặc phải có văn bản làm cơ sở để xác nhận quyền sở hữu của họ đối với nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể:
- Đối với trường hợp người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức mua bán, thuê mua hay tặng cho nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Để xác lập quyền sở hữu đối với nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài khi tham gia giao dịch nhà ở cần phải ký kết, lập hợp đồng mua bán, thuê mua nhà hoặc văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại với bên còn lại trong quá trình giao dịch.
Văn bản, hợp đồng về nhà ở do các bên tự thỏa thuận với nhau nhưng cần phải được lập thành văn bản và có các nội dung chính được quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở năm 2014. Cụ thể gồm: họ, tên cá nhân và tên của tổ chức, địa chỉ của các bên; đặc điểm của nhà ở giao dịch; giá trị góp vốn và giá trị giao dịch; thời hạn, phương thức thanh toán; thời gian giao nhận nhà ở; quyền và nghĩa vụ của các bên; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; cuối cùng là chữ ký của các bên..
- Đối với trường hợp người nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải lập văn bản thừa kế nhà ở theo đúng quy định. Cụ thể là văn bản khai nhận di sản thừa kế, hoặc có thể văn bản phân chia di sản thừa kế. Văn bản thừa kế về nhà ở phải được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật về dân sự.
Thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi xác định đáp ứng đủ điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam cần thực hiện thủ tục để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Cụ thể, theo các quy định tại Điều 119, Điều 120, điều 121, Điều 122 Luật nhà ở năm 2014 thì:
Các bên tham gia giao dịch về nhà ở (trong đó có cá nhân nước ngoài),nhận thừa kế về nhà ở tại Việt Nam, như đã phân tích ở trên, cần phải tham gia ký kết vào các văn bản, hợp đồng về nhà ở, để làm cơ sở để xác lập quyền sở hữu của họ đối với nhà ở tại Việt Nam
Sau khi thực hiện việc ký kết hợp đồng về nhà ở thì một trong hai bên, theo sự ủy quyền của bên còn lại sẽ phải làm hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho nhà ở đó. Trường hợp người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam từ chủ đầu tư dự án thì chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho bên mua, hay bên thuê mua, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Đối với việc nhận thừa kế nhà ở thương mại tại Việt Nam thì người nước ngoài cần có căn cứ vào các văn bản về thừa kế đã được chứng thực, tự mình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người nước ngoài là bên mua, hay bên thuê mua, bên nhận tặng cho, và nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và căn hộ này được xác định là căn cứ pháp lý ghi nhận quyền của chủ sở hữu (mà ở đây là người nước ngoài) đối với tài sản là nhà ở,hay căn hộ tại Việt Nam.
XEM THÊM: Đăng ký tạm trí cho người nước ngoài cần làm gì?
TÓM LẠI VẤN ĐỀ: Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam hay không? Được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Hy vọng với bài chia sẻ này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về nội dung này.