Nấm da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, hướng điều trị

0
976
Nấm da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, hướng điều trị

Nấm da đầu là một dạng bệnh da liễu phổ biến ở cả người lớn lẫn trẻ em. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu vùng da đầu, thậm chí là rụng tóc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý gây ảnh xấu lên sức khỏe, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống này? Điều trị sao cho tốt và dứt điểm? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh nấm da đầu này nhé!

Giới thiệu chung về nấm da đầu

Nấm da đầu hay còn gọi là nấm tóc hoặc ecpet mãng tròn. Đây là một dạng bệnh viêm nhiễm da đầu do nấm sợi thuộc loài Trichophyton và Microsporum gây ra.
Nhiễm trùng nấm da đầu cần một thời gian để chữa trị. Tuy nhiên, nếu người bệnh không có biện pháp điều trị hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, gây ra chứng rụng tóc, hói đầu, loét, đóng, bong vảy và chảy mủ.

Nguyên nhân

Bệnh này phát triển ở nơi có môi trường ẩm ướt, ấm áp và có khả năng lây nhiễm từ người sang người. Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh là:

  • Thói quen sinh hoạt: Không sấy khô tóc và để tóc ướt đi ngủ, để đầu quá bẩn rồi mới gội,…
  • Lây nhiễm từ người sang người: Sử dụng chung những vật dụng, đồ dùng cá nhân như lược chải đầu, nón, quần áo của người nhiễm bệnh
  • Lây nhiễm giữa người và động vật: Cơ thể vật nuôi như chó, mèo luôn tồn tại vi khuẩn, nấm. Tiếp xúc trực tiếp những mảng lông rụng xuống của chúng sẽ dễ dàng bị lây bệnh
  • Do chủng nấm Trichophyton và Microsporum: Loại nấm này tạo nên những đốm da đỏ có đường kính khoảng vài cm. Sau một thời gian, chúng sẽ sưng đỏ và mưng mủ. Tóc ở vùng da bị nấm trở nên cứng, dễ gãy rụng gây ra sự hói tạm thời.
  • Nhiễm nấm Kerion de celse: Sự xuất hiện của loại nấm này gây ra tình trạng nặng hơn so với 2 loại nấm trên. Chúng tạo ra các ổ mủ ở nang lông (áp xe nang lông) và chứa dịch màu vàng trên bề mặt da bị tổn thương. Mủ có mùi hôi, nhớp nháp, khó chịu.
  • Mắc các bệnh lý khác: Người từng mắc các bệnh như vảy nến, viêm da, á sừng, bệnh tiểu đường,… cũng có khả năng bị nấm da đầu
  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Có vết thương hoặc trầy xước trên da đầu
  • Mang thai
  • Tuyến giáp hoạt động kém
  • Sử dụng thuốc kháng sinh, corticosteroid hoặc thuốc ngừa thai
  • Làm việc, sinh sống tiếp xúc với môi trường có nhiều hóa chất độc hại

Nấm da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, hướng điều trị

Dấu hiệu nhận biết

Thông thường, bệnh tiến triển theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Người bệnh có cảm giác ngứa, có vảy nhỏ, nổi nhiều gàu và rụng tóc

Thời gian đầu nấm kích thích da đầu tiết ra bã nhờn, kết hợp với các tế bào chết tạo thành gàu. Từ đó, người mắc bệnh thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy, bắt đầu xuất hiện tình trạng rụng tóc. Tuy nhiên, nhiều người chủ quan, xem thường các dấu hiệu này.

Giai đoạn 2: Cảm giác ngứa ngáy nhiều hơn và xuất hiện mụn da đầu

Bệnh nấm da đầu tiến triển đến giai đoạn này dẫn đến sự xuất hiện của gàu và bã nhờn nhiều hơn – yếu tố gây ngứa hàng đầu. Sự chà xát mạnh lúc gãi ngứa làm cho da đầu bị trầy xước, thậm chí là chảy máu và đóng vảy. Trong một số trường hợp, da đầu của người bệnh còn xuất hiện những nốt đỏ li ti hoặc nổi mụn.

Giai đoạn 3: Rụng tóc nhiều dẫn đến hói đầu

Khoảng 20 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên thì hiện tượng rụng tóc tiếp diễn nhanh và mạnh mẽ hơn. Đây là dấu hiệu chứng tỏ bệnh đã chuyển biến nặng. Ở giai đoạn cuối cùng này, tóc có thể rụng tự nhiên hoặc rụng khi chải và gội đầu. Tóc rụng nhiều tạo nên các mảng hói hình tròn hay hình bầu dục lớn nhỏ khác nhau.

Hướng điều trị

Trị nấm bằng thuốc uống

Ưu điểm của thuốc là kháng nấm, trị nấm tận gốc từ bên trong cơ thể. Các loại thuốc đặc trị bệnh nấm da đầu thường được sử dụng hiện nay:

  • Terbinafine: Có tác dụng loại bỏ tận gốc các loại vi khuẩn nấm ra khỏi da đầu. Thời gian điều trị từ 4 – 6 tuần
  • Griseofulvin: Thuốc dùng cho cả người lớn và trẻ em. Trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng khi có sự chỉ định của bác sĩ nhi khoa. Thời gian điều trị từ 8 – 10 tuần.

Lưu ý: Người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, phát ban, nổi mề đay,…

Bôi thuốc trị nấm

Một số thuốc bôi phổ biến:

  • Fluconazole
  • Naftifine
  • Ketoconazole
  • Clotrimazol
  • Miconazol

Ưu điểm của những loại thuốc này là giúp giảm ngứa, diệt nấm từ ngoài da, mang đến hiệu quả nhanh chóng. Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp tức thời. Các loại thuốc bôi thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tế bào nấm ở chân tóc, từ đó không mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị nấm da đầu.

Điều trị bệnh nấm da đầu bằng các phương thuốc dân gian

  • Bồ kết: Saponin trong bồ kết có tác dụng làm sạch da đầu. Những người có da đầu bị nhiễm nấm nhẹ có thể dùng loại quả này để gội đầu. Trước khi gội, nên nướng quả bồ kết trên than đỏ, sau đó bỏ vào đun sôi với nước. Khi nước nguội, dùng nước này gội đầu thì triệu chứng của bệnh sẽ giảm dần
  • Chanh: Cho từ 1 – 2 thìa nước cốt chanh vào nước rồi thoa lên tóc từ 10 – 15 phút
  • Giấm: Pha loãng giấm với nước theo tỉ lệ 1:1 rồi mát xa để hỗn hợp thấm vào da đầu. Đặc tính kháng nấm, giảm viêm nhiễm của giấm giúp loại bỏ tế bào da chết
  • Tinh dầu tràm trà: Pha từ 1 – 2 giọt tinh dầu tràm trà với 2 muỗng dầu dừa. Dùng hỗn hợp để ủ tóc trong 30 – 60 phút

Nấm da đầu: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, hướng điều trị

Cách phòng bệnh nấm da đầu

Ngoài việc tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn có thể bổ sung những biện pháp sau đây vào sinh hoạt hằng ngày để tối giản khả năng bị bệnh nấm da đầu:

  • Gội đầu thường xuyên, lau khô tóc và không để tóc ướt đi ngủ
  • Để da đầu luôn thông thoáng, hạn chế trùm đầu, đội mũ, quấn khăn,…
  • Không sử dụng chung đồ cá nhân như mũ, lược, gối,… với người mắc bệnh
  • Ăn uống khoa học, hạn chế loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường, hải sản trong thực đơn hàng ngày
  • Hạn chế uống rượu, bia
  • Thú cưng có dấu hiệu nhiễm nấm hoặc phát hiện là nguồn nấm thì đưa đến bác sĩ thú y để được điều trị

Một số thực phẩm người mắc bệnh nấm da đầu nên tránh ăn

  • Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C nhìn chung tốt cho cơ thể nhưng khiến tình trạng của người mắc bệnh nấm da đầu trở nên nặng nề hơn
  • Hải sản: Đây là loại thức ăn dễ gây dị ứng, ngứa, đặc biệt là những người có làn da nhạy cảm
  • Đường: Môi trường nhiều đường sẽ tạo điều kiện cho nấm men Candida phát triển. Vì vậy, nên hạn chế tiêu thụ lượng đường, nước ngọt hoặc các sản phẩm làm từ đường

Kết luận

Nấm da đầu nhìn chung không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tuy vậy, bệnh đem lại cảm giác không thoải mái, phiền phức khi bị gàu, rụng tóc,… làm cho chất lượng cuộc sống suy giảm. Vì thế, khi phát hiện nhiễm bệnh, nên tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

5/5 - (100 bình chọn)