
Lupus ban đỏ hệ thống, gọi tắt là lupus ban đỏ, là một loại bệnh thuộc nhóm bệnh tự miễn. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách. Vì vậy, hiểu rõ Lupus ban đỏ là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm bệnh Lupus ban đỏ
Nguyên nhân gây bệnh đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Có một số giả thiết tạm chấp nhận được đưa ra như sau:
- Di truyền: người có anh chị em ruột từng mắc Lupus ban đỏ, có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 20 lần so với người khác
- Ánh nắng mặt trời: phơi nắng có thể gây ra các tổn thương da và làm khởi phát bệnh, nhất là ở những người nhạy cảm, dễ mắc bệnh
- Nhiễm khuẩn, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại: điều này có thể mở đầu lupus hay gây ra tái phát lupus cho một số người
- Lupus có thể bị khởi phát bởi một vài loại thuốc chống động kinh, các thuốc chữa huyết áp và các kháng sinh. Người bỉ lupus do thuốc thường sẽ hết các triệu chứng khi họ ngừng sử dụng.
- Cũng có ghi nhận những trường hợp thuốc tránh thai khởi động hay làm nặng thêm Lupus ban đỏ
Biến chứng của Lupus ban đỏ
Bệnh Lupus ban đỏ diễn biến phức tạp, tiến triển thành từng đợt, đợt sau nặng hơn đợt trước và gây tổn thương gần như toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Hệ thần kinh trung ương: Lupus có thể gây ra chóng mặt, nhức đầu, chứng ảo giác, thay đổi hành vi, rối loạn tâm thần, động kinh thậm chí là đột quỵ. Nhiều người bị các vấn đề về trí nhớ, khó diễn đạt các ý nghĩ
- Phổi: Gây khó thở, suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, viêm phổi
- Tim: Bệnh gây viêm cơ tim, tràn dịch màng tim. Tình trạng kéo dài có thể dẫn đến suy tim mạn. Một số trường hợp chuyển biến tối cấp, viêm cơ tim cấp, và suy tim cấp, người bệnh tử vong do trụy mạch
- Thận: Lupus gây tổn thương nghiêm trọng bằng cách phá hủy cầu thận, tiến triển đến suy thận. Đây là một trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu của Lupus
- Hệ tạo máu: Gây thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu hay đông máu và viêm thành mạch. Tình trạng xuất huyết lúc này lại làm nặng thêm vấn đề thiếu máu và nguy hiểm đến tính mạng nếu gây xuất huyết não, chèn ép não
- Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải những biến chứng khác gây ra bởi thuốc ức chế miễn dịch. Khi khả năng miễn dịch bị suy giảm, cơ thể càng dễ bị lây nhiễm vi khuẩn hơn. Tình trạng nhiễm trùng diễn biến nhanh gây ra khuẩn huyết khiến bệnh nhân sốc và tử vong
Hướng điều trị
Đáng tiếc, Lupus ban đỏ là bệnh không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát để bệnh không biến chứng trở nên nguy hiểm, nghiêm trọng hơn.
Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp khác nhau, bao gồm:
- Các biện pháp tránh khởi phát đợt cấp, quản lý thai nghén
- Thuốc chống thấp tác dụng chậm
- Thuốc corticoid
- Kháng viêm steroid
Bệnh nhân cũng cần tạo thói quen sinh ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kết quả điều trị Lupus ban đỏ khả quan hơn.
- Không hút thuốc
- Tập thể dục thường xuyên
- Có chế độ bổ sung dinh dưỡng đầy đủ; ngủ đủ giấc
- Tránh thức khuya và làm việc quá sức
- Tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vì tia cực tím có thể gây ra đợt phát ban. Bôi kem chống nắng, bảo vệ bằng cách đội mũ, mặc áo dài tay, quần dài khi đi ra ngoài.
- Thực phẩm chức năng bổ sung: dầu cá. Trong dầu cá có các axít béo Omega-3 có lợi cho người bị Lupus
Kết luận
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời để không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, người bệnh không nên hoang mang, suy sụp khi nhiễm Lupus ban đỏ, thay vào đó, hãy thay đổi thói quen sinh hoạt sao cho khoa học và sử dụng thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp bệnh tiến triển tốt hơn.