
Làng lụa Vạn Phúc – Nói đến lụa thì không thể không kể đến cái tên quá nổi tiếng, thân thương và là cái nôi lụa gấm ở Việt Nam. Giữa thành thị xa hoa đông đúc, giữa những nét văn hóa mới lạ và đặc sắc thì vẫn còn lưu giữ đâu đây một nét riêng vốn có của nó, nét tinh hoa văn hóa Việt vẫn còn đọng lại đó chính là lụa.
Chắc chắn bạn đã từng nghe đến câu thơ :“Em về Vạn Phúc cùng anh/Áo lụa em mặc thêm thanh vẻ người”. Lụa Vạn Phúc đã đi sâu và gắn liền trong tiềm thức cuộc sống của mỗi người Việt từ xưa đến nay.
Làng lụa Vạn Phúc ở đâu
Làng lụa Vạn Phúc hay người ta thường gọi là làng lụa Hà Đông thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Có cơ hội đến thăm làng lụa Vạn Phúc , từ trung tâm thành phố đi dọc Nguyễn Trãi qua Lê Văn Lương rồi đến Tố Hữu, bạn sẽ đặt chân đến nơi đây.Bước đến làng lụa Vạn Phúc, bạn sẽ rất ấn tượng bởi ở đây con người bình dị, chân phương và luôn nồng hậu với khách, như được trở về với cội nguồn dân tộc, những hình ảnh cây đa, bến nước, đình làng …hiện lên một cách gần gũi, chân thật nhất.
Đặc điểm
Lụa Vạn Phúc không giống như những loại lụa khác, nó mang đến cho người dùng một cách nhẹ nhàng, mềm mại theo từng đường kim mũi chỉ, chất liệu làm nên thương hiệu, không những vậy phần quan trọng nhất đó chính là bàn tay khéo léo của những người làm nên nó. Thật không dễ để có một mảnh lụa đẹp, một sản phẩm lưu truyền từ đời này qua đời khác mà nó phải trải qua nhiều công đoạn. Được biết sản phẩm tơ lụa Vạn Phúc có khoảng trên 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau như: Băng hoa, Long phượng, mây bay, tứ quế, sa trơn…
Công đoạn đầu tiên, các nghệ nhân sử dụng bàn tay khéo léo của mình để chọn những kén già có chất lượng tốt để thực hiện kéo , sau công đoạn kéo kén người ta sẽ thu được những sợi tơ và tiến hành bước thứ hai đó là guồng tơ. Sau khi thực hiện xong, người ta cho từng lõi tơ đã được guồng sẵn đưa vào khung cửi để nối lại với nhau, tiếp đó sẽ đưa vào máy dệt và cho ra thành phẩm là những tấm lụa được dệt có hoa văn. Tiếp đến, sau thời gian khoảng 2 -3 ngày thì người ta lấy đem đi nhuộm màu, xong giặt, đem đi phơi dưới thời tiết nhiệt độ thích hợp và lụa được đem đi sấy cho ra sản phẩm cuối cùng là lụa.
Để có một sản phẩm lụa Vạn Phúc người ta trải qua rất nhiều công đoạn, bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian nhưng con người ở đây vẫn gắn bó với nó, vẫn được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Hơn nữa, nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc chính là những đường nét hoa văn ở đây, không quá cầu kỳ ,rắc rối mà nó mang nét đối xứng, hòa quyện, thể hiện được chất riêng của nó, người ta yêu lụa Vạn Phúc có lẽ vậy.
Xem thêm: Vải chiffon là gì? Bạn hiểu gì về vải chiffon
Lịch sử của làng
Có thể bạn không biết, làng lụa Vạn Phúc gắn bó hơn 1000 năm tuổi, thời xưa lụa Vạn Phúc được dùng để may trang phục cho các vua chúa trong cung đình, được xem là chất liệu quý. Còn ngày nay, lụa Vạn Phúc không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn vươn ra ngoài thế giới, trở thành một trong những đại diện về lụa vải tiêu biểu của Việt Nam và vẫn giữ được tinh hoa văn hóa nhân loại, truyền thống dân tộc.
Có cơ hội mời bạn ghé đến thăm Làng lụa Vạn Phúc, cái nôi lụa gấm Việt Nam để có một cách nhìn sâu sắc hơn về những sản phẩm, con người nơi đây cũng như có những trải nghiệm tuyệt vời về nghề dệt lụa Việt Nam.
Làng Vạn Phúc vốn có tên là Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên đã đổi tên thành Vạn Phúc. Theo truyền thuyết thì cách đây khoảng hơn 1100 năm, bà A Lã Thị Nương là vợ của Cao Biền, thái thú Giao Chỉ, từng sống ở trang Vạn Bảo. Trong thời gian ở đây, bà đã dạy người dân cách làm ăn và truyền nghề dệt lụa. Sau khi mất, bà được phong lên làm thành hoàng làng.
Lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu tiên ra quốc tế tại các hội chợ Marseille (1931) và Paris (1932). Nó được người Pháp đánh giá là loại lụa tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Từ năm 1958 đến 1988, sản phẩm lụa Vạn Phúc chủ yếu được xuất sang các nước Đông Âu; Từ năm 1990, xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, thu ngoại tệ về cho Việt Nam.
Năm 2009, trong làng Vạn Phúc có khoảng 1000 khung dệt, sản xuất được nhiều loại lụa cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Trong đó có những loại lụa cao cấp như lụa vân quế hồng diệp và lụa vân lưỡng long song phượng.
Năm 2010, để kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã thiết kế nên mẫu lụa Long Vân với hoa văn mang hình tượng lưỡng long chầu Khuê Văn Các được cách điệu bên trong hình ảnh hoa sen.
Trong nhiều cửa hàng lụa ở Hà Nội và ngay ở cả làng Vạn Phúc, các loại lụa Trung Quốc chất lượng kém được trà trộn vào bán với danh nghĩa lụa Vạn Phúc, làm giảm đi uy tín của làng lụa này.
Làng Vạn Phúc hiện nay
Hiện nay, tại làng vẫn còn gần 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình đều hoạt động tối đa công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm, làng sản xuất khoảng 2,5 – 3 triệu mét vuông vải, chiếm đến 63% doanh thu của toàn bộ làng nghề.
Tuy hiện nay đang có nhiều loại lụa không đảm bảo chất lượng được nhập từ Trung Quốc về, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và chất lượng của làng nhưng người dân nơi đây vẫn đang cố gắng, hoàn thiện để tạo ra những sản phẩm tốt nhất và khẳng định lại vị thế của mình.
Cùng với việc lưu giữ và phát triển nghề dệt lụa truyền thống, làng lụa Vạn Phúc đang từ từ đổi mới, trở thành một điểm du lịch để bắt nhịp với nhu cầu thị trường về sản phẩm cũng như nhu cầu về vui chơi, khám phá về làng nghề của du khách.
Đến làng lụa Vạn Phúc thời điểm này, du khách sẽ được nhận thấy sự đổi thay nhanh chóng của làng nghề với hình ảnh văn minh và năng động hơn. Những ngày cuối tuần, làng Vạn Phúc đón nhiều lượt khách du lịch ghé đến và chụp ảnh.
Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang hoàng các tuyến phố, tôn tạo di tích. Đặc biệt, ba tuyến phố đi bộ gồm phố ẩm thực, phố lụa, phố sinh vật cảnh – đồ cổ đồng thời được mở ra để du khách tham quan và mua sắm.
Ngay khi bước qua cổng làng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng con đường đi bộ được trang trí bởi những chiếc ô nhiều màu sắc rực rỡ. Dọc hai bên đường là các hàng quán san sát nhau, trưng bày và buôn bán các sản phẩm như khăn quàng, áo dài, túi xách, quần áo… với mẫu mã đa dạng cho du khách lựa chọn. Nếu bạn muốn mặc một chiếc áo dài để chụp ảnh thì tại đây các cửa hàng cũng có dịch vụ cho thuê áo dài.
Một trong những nơi bán hàng uy tín và nổi tiếng nhất là xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão, cửa hàng lụa Vạn Xuân, hoặc khu chợ lụa Vạn Phúc. Ở đây bạn có thể thỏa thích lựa chọn những sản phẩm ưng ý nhất.
Các điểm tham quan tại đây mà du khách có thể ghé thăm như: đền thờ tổ nghề, miếu Vạn Phúc, Chùa Vạn Phúc, trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc, trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ – đồ xưa, nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng.
Ngoài ra, du khách cũng có thể tham quan những xưởng dệt, nhuộm nằm phía sau khu chợ Vạn Phúc để hiểu thêm về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với những người thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất. Đặc biệt, khi đến với làng, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm làm thử tranh từ vải vụn tại Hợp tác xã VỤN Art – nơi đây có những con người khuyết tật đang làm việc.
Xem thêm: Hoa lụa là gì? Tại sao nên chọn hoa lụa